Những việc làm đáng trân quý của bí thư thành ủy Đinh La Thăng - Nhận chức Bí thư Thành ủy TP HCM hôm 27 Tết, ngay đầu năm ông Đinh La Thăng đã có một tuần làm việc liên tục với những phát ngôn và hành động gây ấn tượng.
Ngưng chúc tụng đầu năm, tập trung vào việc
Ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết, hôm 15/2, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đánh giá đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 10 và thực hiện các kế hoạch 5 năm của nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi quyết tâm cao và quyết liệt, hiệu quả của toàn hệ thống chính trị thành phố để đáp ứng kỳ vọng của người dân.
"Đã hết Tết, các đơn vị, địa phương phải chấm dứt các hoạt động chúc tụng đầu năm, tập trung ngay vào công việc, không được để người dân, doanh nghiệp chờ đợi", ông Thăng yêu cầu.
Lập đường dây 'nóng' để người dân liên hệ với Bí thư Thành ủy
"Hãy chuẩn bị cho tôi đường dây nóng để người dân dễ dàng liên hệ trực tiếp với Bí thư Thành ủy. Chúng ta phải thật sự cầu thị, lắng nghe, đi về phía người dân. Có vậy chúng ta mới nghe được những lời nói thật, những ý kiến, hiến kế tâm huyết. Từ đó góp phần tạo đột phá cho TP HCM phát triển mạnh hơn nữa", ông Thăng nói.
Người đứng đầu Thành uỷ cũng cho rằng, lãnh đạo thành phố phải sẵn sàng tiếp thu, đối thoại cùng người dân về những việc liên quan đến đời sống của họ và sự phát triển của thành phố. Muốn vậy, các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin rõ ràng, công khai hơn nữa cho báo chí, cho người dân.
Sau chỉ đạo này, Văn phòng Thành ủy TP HCM đã công bố số điện thoại0888 247 247 tiếp nhận thông tin phản ảnh trực tiếp đến Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Số điện thoại này sẽ hoạt động 24/24 và suốt 7 ngày trong tuần.
Phải giảm tội phạm trong 3 tháng
Làm việc với Ban Giám đốc Công an TP HCM về tình hình an ninh trật tự chiều 17/2, ông Thăng yêu cầu phải tập trung tấn công, trấn áp tội phạm, không để tội phạm gia tăng.
"Cuộc sống người dân đầy đủ, no ấm nhưng lúc nào cũng thấp thỏm lo âu về trộm cắp, cướp giật thì không thể là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình được", ông Thăng nói và gợi ý Công an thành phố tái lập lực lượng săn bắt cướp hiệu quả như trước đây để có thêm một lực lượng phản ứng nhanh, bảo vệ an ninh cho người dân, du khách.
"Trong vòng 3 tháng tới, công an thành phố phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm được kéo giảm một cách rõ rệt", ông Thăng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý nghiêm những ai không hoàn thành nhiệm vụ, làm cho chính quyền mất uy tín với dân.
Làm đường, sửa nhà cho mẹ Việt Nam anh hùng
Thấy con đường dẫn vào nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em (có chồng và con là liệt sĩ) ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP HCM) nhỏ hẹp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo xã phải tráng bêtông lập tức.
"Con đường chỉ vài chục mét, có thể làm nhanh, để mẹ Nguyễn Thị Em và con cháu đi lại thuận tiện", ông Thăng nói
Với căn nhà khá xuống cấp, xây từ năm 1992, của bà Lê Thị Kiều Oanh (có chồng và cha là liệt sĩ), ông Thăng nói Bí thư Huyện ủy Củ Chi Lê Minh Tấn phải cho sửa sang, gia cố sớm. "Đảm bảo điều kiện sống tốt cho gia đình chính sách là việc chúng ta phải làm thường xuyên", ông dặn dò.
Lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết ngay đầu tuần sau sẽ thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy. Dự kiến, kinh phí làm đường vào nhà bà Em là 100 triệu đồng và xây nhà mới cho bà Oanh khoảng 80 triệu.
Chuyển tin nhắn của người dân cho Giám đốc Sở Giao thông
Nhận tin nhắn từ người dân phản ánh các doanh nghiệp vận tải đón rước khách trên một số tuyến đường ở trung tâm Sài Gòn gây cảnh bát nháo, ông Thăng chuyển tin này cho lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM.
Ngay trong buổi chiều, Sở đã cho gắn biển cấm dừng đậu xe chở khách từ 9 chỗ trở lên, thay biển báo cấm đậu xe ngày chẵn, lẻ trên đường Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm (quận 1). Đây là khu vực có 4 doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng và xe du lịch lữ hành thường xuyên đón rước khách.
'Phép thử' đầu tiên với cấp dưới
Sáng 18/2, nghe lãnh đạo huyện Củ Chi báo cáo sữa từ đàn bò của nông dân không bán được, ông Thăng hỏi: "Sữa từ đàn bò của nông dân Củ Chi bán cho ai? Bán không được thì lãnh đạo huyện đã làm việc với đơn vị mua sữa để tìm nguyên nhân chưa?".
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú trả lời rằng, 80% sản lượng sữa bán cho Vinamilk. Ông Thăng hỏi: "Đồng chí đã gặp Tổng giám đốc Vinamilk chưa? Gọi điện ngay cho tôi nói chuyện. Có số điện thoại không? Gọi kiểm tra là biết ngay".
Lãnh đạo huyện Củ Chi không có số điện thoại Tổng giám đốc Vinamilk, ông Thăng nói: "Tôi kiểm tra thế là biết ngay. Chủ tịch huyện chưa gặp Tổng giám đốc Vinamilk thì làm sao biết được nguyên nhân bà con không bán được sữa. Sản lượng sữa của đàn bò Củ Chi thấm gì so với năng suất của Vinamilk? Phải gặp họ mới có phương thức giải quyết cho bà con được...".
Sau buổi làm việc, huyện Củ Chi đã liên hệ với Công ty Vinamilk. Dự kiến thứ 2 tuần tới, huyện sẽ tìm hiểu và lên danh sách các hộ nông dân nuôi bò sữa gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm và gửi đến Vinamilk để xem xét.
Trung Sơn
Post a Comment